Listening là một trong bốn bài thi của IELTS, và rất nhiều thí sinh chọn cách ôn luyện đề Listening ở nhà. Tuy nhiên, cách cải thiện kỹ năng nghe làm sao cho hiệu quả. Và những lời khuyên về việc có nên thay đổi tốc độ bài nghe IELTS khi luyện Listening hay không vẫn còn khiến nhiều thí sinh bối rối. Vậy bài viết này sẽ nhằm giải đáp những thắc mắc trên nhé.
1. Cấu trúc bài thi IELTS Listening:
Bài thi IELTS Listening gồm 40 câu, chia làm 4 phần (4 parts):
– Part 1: cuộc đối thoại giữa hai nhân vật, chủ đề xoay quanh các tình huống trong cuộc sống thường ngày,
Ví dụ: gọi điện đặt phòng khách sạn, hoặc đặt xe thuê đi du lịch,…
– Part 2: đoạn độc thoại về các chủ đề thường ngày
Ví dụ: giới thiệu địa điểm du lịch cho khách tham quan,…
– Part 3: trò chuyện về chủ đề giáo dục giữa 3-4 nhân vật
Ví dụ: thảo luận về bài làm/dự án nhóm,…
– Part 4: độc thoại thuộc các chủ đề học thuật
Ví dụ: một bài giảng ở trường đại học
>>> Xem thêm: Khám phá cấu trúc đề IELTS và những điểm cần lưu ý
2. Sai lầm mắc phải trong việc tự ôn Listening:
Một số bạn khi mới bắt đầu học IELTS Listening. Sẽ có xu hướng tìm các đề Listening trên mạng hoặc mua bộ đề Cambridge về. Và “xử” hết tất cả đề IELTS Listening thời lượng 30 phút.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn là không nên. Với những bạn mới bắt đầu – chưa tự tin hẳn về kỹ năng nghe và chưa quen với dạng bài IELTS. Việc “xử” liên tù tì một đề IELTS như vậy sẽ gây khó khăn và cảm giác chán nản khi làm hết đề này đến đề khác và vẫn sai nhiều. Đặc biệt, khi ta xem transcript và đáp án thì hiểu vì sao câu trả lời đó sai. Nhưng khi làm đề mới thì ta vẫn sai nhiều như cũ.
Do đó, phương pháp điều chỉnh tốc độ bài nghe IELTS nhằm giúp các bạn cân chỉnh lại việc luyện nghe sao cho phù hợp với trình độ hiện tại của mình. Bên cạnh đó nhằm cải thiện kĩ năng này theo cách “step-by-step” và hiệu quả hơn.
3. Thay đổi tốc độ nghe khi làm Listening:
Một số bạn khi mới làm bài nghe sẽ điều chỉnh chậm toàn bộ bài để nghe cho rõ. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rõ “level nghe” thật sự của mình đang ở đâu, bằng cách làm thử một vài bài Part 1 với tốc độ bình thường.
Part 1 sẽ là phần dễ nhất trong bài thi Listening, và yêu cầu đề thường sẽ là điền từ (điền các thông tin ghi chú như tên, địa chỉ,…). Do đó, nếu nghe vài bài Part 1 và số câu đúng nhiều thì các bạn có thể yên tâm chuyển tiếp sang nghe các đề Part 2.
Ngoài ra, nếu ngay từ Part 1, chúng ta đã cảm thấy khó nghe thì nên dừng lại, điều chỉnh tốc độ nghe chậm đi như x0.75. Và nghe kỹ lại những chỗ mình thường sai. Tương tự với các Part 2,3 và cuối cùng khó nhất là Part 4.
4. Áp dụng nhưng không lạm dụng
Tuy phương pháp này là hiệu quả, tránh làm chúng ta bị “ngộp” khi luyện đề Listening. Tuy nhiên cũng không nên bị lạm dụng.
Đôi khi làm xong bài và check đáp án, một số bạn vốn khá tốt về kỹ năng nghe tiếng Anh thông thường (như khi xem phim). Nhưng lại sai nhiều câu trong đề IELTS, sẽ nhầm tưởng tốc độ bài thi nhanh và khó quá. Điểm này chúng ta cần cẩn thận, từ tốn xem xét lại các câu sai là do đâu.
Ví dụ, bài thi IELTS Listening còn cần các thao tác khác như: đọc trước câu hỏi, tìm keyword để khi nghe dễ chú ý hơn vào các chi tiết quan trọng. Nếu chỉ chăm chăm nghe một cách thụ động. Thì dù điều chỉnh tốc độ nghe chậm, người học cũng sẽ khó lòng nắm ý chính để trả lời câu hỏi đề thi.
Ngoài ra, trong một số bài điền từ (phổ biến ở part 1, part 4), các câu sai thường là sai word form hoặc nhầm lẫn danh từ số ít, số nhiều. Điều này người học cũng cần lưu ý. Và check kĩ câu hỏi, xem từ mình cần điền là loại từ gì thì hợp lý. Tránh trường hợp nghe được nhưng sai sót nhỏ nên mất điểm câu đó.
5. Học cách tập trung khi nghe
Bên cạnh đó, “tập trung” cũng là một kỹ năng quan trọng khi nghe. Trong một số trường hợp, dù tốc độ bài nghe hoàn toàn phù hợp với level của người học. Tuy nhiên khi làm bài bị mất tập trung một câu, dẫn đến mất bình tĩnh và không nghe được các câu còn lại.
Tóm lại, việc điều chỉnh tốc độ nghe chậm hơn (nhằm giảm độ khó cho các bạn mới bắt đầu) hoặc nhanh hơn (tăng thử thách cho các bạn đã làm Listening tốt và chuẩn bị đi thi) có những lợi ích riêng.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lạm dụng việc này, và nên suy xét kĩ nguyên nhân chính các câu mình sai hoặc bổ sung các kĩ năng kèm theo khác như: đọc lướt câu hỏi tìm từ khóa, tâm lý vững vàng “tập trung” tốt khi nghe,… để đạt được kết quả tốt nhất cho việc ôn luyện.
Tác giả: Cô Mỹ Linh – Giáo viên tại The IELTS Workshop TP.HCM
Tạm kết
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: “Có nên điều chỉnh tốc độ bài nghe IELTS hay không?”. Tham khảo thêm nhiều bài viết khác tại chuyên mục ôn luyện IELTS của TIW bạn nhé.